Đà Nẵng: Người dân hốt hoảng vì giá đất tái định cư mới

VHO- Thông tin về giá đất tái định cư (TĐC) ở Đà Nẵng bất ngờ tăng cao khiến người dân vô cùng lo lắng. Cụ thể, TP Đà Nẵng đã áp dụng quy định tăng giá đất TĐC từ ngày 11.2 (tức là từ mùng 7 Tết).

Đà Nẵng: Người dân hốt hoảng vì giá đất tái định cư mới - Anh 1

 Giá đất tái định cư tăng cao khiến nhiều người dân Đà Nẵng lao đao

Nhiều cá nhân, hộ gia đình còn nợ tiền đất TĐC hoảng hốt khi số tiền nợ mua đất bỗng dưng bị tăng gấp nhiều lần so với thời điểm bắt đầu mua.

Chóng mặt vì “nợ chồng nợ”

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất, tính đến ngày 31.1.2019, tổng số hộ nợ là 7.189 hộ. Trong đó, số hộ nợ đất tái định cư là 6.958 hộ, tương đương số tiền 866,562 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Quang T. cho hay, nhà anh ở khu đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, thuộc diện giải tỏa năm 2007 và được TP bố trí tái định cư với thời hạn nợ 10 năm. “Giá tiền nợ thời điểm đó 60 triệu đồng/90m đất, đến năm 2019 tôi mới có điều kiện trả nợ tiền đất cho Nhà nước, tôi đến nhờ nhân viên văn phòng đất đai quận Sơn Trà tính tiền để nộp, họ thông báo số tiền phải nộp của tôi lên đến gần 2 tỉ đồng? Tôi không hiểu số tiền tăng quá cao như vậy ở đâu ra? Giá Nhà nước mà hơn cả tín dụng đen nữa. Thử hỏi những người dân có mức thu nhập thấp như tôi làm sao trả được nợ, có được nhà để an cư, lập nghiệp. Thời điểm 60 triệu đồng chúng tôi còn không trả nổi đến bây giờ tiền tỉ làm sao chúng tôi trả nợ tiền đất được. Nếu cứtheo quy định tăng kiểu này, vài năm nữa nhiều người dân chúng tôi không có nhà để ở”, anh Quang T. cho biết.

Tương tự, anh Lương Khánh T. (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, cách đây 13 năm gia đình anh được bố trí mua nợ một lô đất tái định cư, “Thời điểm đó gia đình chúng tôi nợ hơn 100 triệu đồng tiền đất, vừa rồi khi ba mẹ tôi đến trả tiền nợ thì được thông báo thành phố đã áp dụng giá đất mới theo Quyết định 06 sửa đổi, có hiệu lực từ đầu tháng 2.2019. Như vậy, cứ theo giá đất sửa đổi mà tính thì số tiền gia đình tôi còn nợ khoảng 2 tỉ đồng chứ không phải hơn 100 triệu như trước đây”, anh T. buồn bã nói.

Toàn quận Sơn Trà có khoảng 1.000 hồ sơ người dân nợ tiền sử dụng đất (SDĐ) quá hạn, đứng tốp đầu các quận, huyện của TP. Lãnh đạo Q. Sơn Trà cho rằng giá đất mới là đúng với quy định, nhưng nếu có cách “gỡ” cho dân thì tốt biết mấy, bởi địa bàn quận Sơn Trà đa số là hộ nghèo, hoặc vừa thoát nghèo, chủ yếu là lao động nghề biển, lao động phổ thông, làm thuê, làm công nhân, thu nhập vừa thấp, vừa không ổn định.

Áp dụng theo quy định trong khi chờ

Liên quan đến thông tin người dân phản ánh giá đất mới quá cao, lãnh đạo Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất được xây dựng trong suốt thời gian từ quý II đến cuối quý IV/2018. Việc thông báo cho người dân để tiến hành nộp khoản tiền nợ, thời gian nộp tiền sử dụng đất đã được quy định tại các điều khoản của Hợp đồng giữa người dân với Trung tâm phát triển quỹ đất, dựa theo các đợt thẩm định và điều chỉnh giá đất năm 2018.

Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền SDĐ thì đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền SDĐ phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền SDĐ thì người SDĐ phải nộp tiền SDĐ còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất hiện hành). Trong trường hợp này, UBND TP đã xin ý kiến của Bộ Tài chính và đã có văn bản trả lời, theo đó đề nghị UBND TP thực hiện việc thu nợ tiền sử dụng đất TĐC theo đúng Nghị định 45 và vấn đề này còn phải đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng thông tin.

Những năm qua, giá đất tại Đà Nẵng biến động không ngừng, và trong trường hợp này rõ ràng là người dân đang “chạy theo” một món nợ không hồi kết. Với số tiền nợ đột ngột tăng “chóng mặt” như vậy thì không biết bao giờ người dân mới trả được, đồng nghĩa với việc đó là ước mơ được sở hữu một lô đất, căn nhà “chính chủ” đối với một số người còn là chuyện rất xa vời. 

 MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc